SINH VIÊN TRƯỜNG KINH TẾ CSE TRAO ĐỔI

TẠI ĐẠI HỌC QUỐC LẬP TRUNG ƯƠNG VÀ ĐẠI HỌC YUAN ZE ĐÀI LOAN

 

       Hoạt động trao đổi sinh viên là hoạt động diễn ra thường niên của Trường Kinh tế CSE nói riêng và Trường Đại học Cần Thơ nói chung. Tiếp nối hoạt động này, Trường Kinh tế đã tổ chức chuyến đi trao đổi ngắn hạn tại Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (NCU – National Central University) từ 19/02/2023 đến 24/02/2023. Chuyến đi không chỉ giúp các em sinh viên có thêm kiến thức thực tế mà còn giao lưu học hỏi ở môi trường văn hóa quốc tế. Hơn nữa, chương trình trao đổi còn giúp gắn kết tình hữu nghị và hợp tác giữa Trường Kinh tế CSE và Khoa Quản trị, Trường Đại học Quốc lập Trung ương (NCU). Chuyến đi tuy không dài nhưng đã để lại rất nhiều kỉ niệm đẹp cho tất cả các thành viên trong Đoàn.

       Trường Đại học Quốc lập Trung Ương (NCU) nổi tiếng được thành lập vào năm 1902 tại Nam Kinh (Giang Tô) và tái lập tại Đài Loan năm 1962. Truyền thống lịch sử lâu đời cùng kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu phong phú đã giúp NCU có mặt trong nhóm bốn trường đại học tốt nhất Đài Loan. Đồng thời, NCU đã được chọn bởi Bộ Giáo dục của Đài Loan là một trong mười một trường đại học định hướng nghiên cứu tại Đài Loan. Mục tiêu chính mà trường hướng đến là mang lại cho tất cả sinh viên một cái nhìn toàn cầu và những trải nghiệm học tập đa dạng đồng thời trở thành một trong những trường đại học hàng đầu thế giới với đặc thù riêng.

       Tham gia chương trình trao đổi lần này có 24 sinh viên Kinh tế có thành tích học tập tốt đến từ các chuyên ngành. Về phía giảng viên, có Thầy Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Cô Lê Trần Thiên Ý – Phó Trưởng Khoa Kinh doanh quốc tế và Thầy Nguyễn Văn Thép – Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Kinh tế. Nhân cơ hội này, thay mặt Trường, Thầy Tú đã có buổi thảo luận và trao đổi với đại diện lãnh đạo Khoa Quản trị, Trường Đại Học Quốc lập Trung ương (NCU) và giảng viên của Khoa về kế hoạch hướng đến việc hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên trong tương lai. Ngoài ra, đoàn làm việc Trường Kinh tế còn có buổi làm việc để tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế và trao đổi sinh viên với Trường Đại học Yuan Ze trong cùng chuyến công tác.

       Chương trình trao đổi giữa  Khoa Quản trị, Trường Đại học Quốc lập Trung ương (NCU) và Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ giúp các em sinh viên từ hai trường có cơ hội học tập không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn giao lưu và học hỏi về nền văn hóa giữa hai quốc gia. Sinh viên Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ còn được sắp xếp học tập chuyên môn và sinh hoạt cùng sinh viên trường bạn. Về nội dung của chương trình trao đổi ngắn hạn, sinh viên được sắp xếp buổi sáng đầu tiên ở Đài Loan với lịch trình di chuyển đến thành phố Hsinchu ghé thăm bảo tàng đổi mới TSMC. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Đây là công ty sản xuất thiết bị (chip) bán dẫn Đài Loan (TSMC) đóng một vai trò then chốt trong việc định hình ngành công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Tại đây, sinh viên nhận được những món quà lưu niệm xinh xắn để lưu giữ những kỉ niệm.

       Sau khi khám phá bảo tàng TSMC, cả đoàn đặt chân đến Làng văn hóa Hakka, trải nghiệm thực tế cuộc sống và văn hóa của con người nơi đây. Hơn thế, sinh viên được tham gia hoạt động DIY (Do It Yourself), tự tay trải nghiệm làm bánh mochi đậu phộng và trà Lei-cha truyền thống của làng Hakka. Sau trải nghiệm hoạt động văn hóa tại làng Hakka, cả đoàn lại tiếp tục đi tham quan Bảo tàng Khám phá Công viên Khoa học – là một không gian tương tác được thiết kế để giới thiệu những tiến bộ mới nhất trong công nghệ người máy.

       Cả đoàn kết thúc ngày đầu tiên trong chuyến đi trao đổi ngắn hạn tại Đài Loan bằng việc trải nghiệm văn hóa tại chợ đêm Sĩ Lâm, nơi được xem là một trong những con đường ăn uống sầm uất nhất Đài Bắc về đêm. Những món ăn đặc sản như tàu hủ, kẹo hồ lô, mực khổng lồ, ốc nướng, ... sẽ là những kí ức không thể quên của cả đoàn.

 

Học tập cùng với sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và GS. Li tại NCU

(hai học phần Phân tích báo cáo tài chính và Thống kê)

 

 

Buổi làm việc giữa Trường Kinh tế CSE với Khoa Quản trị, Đại học NCU (GS. Hsu – Phó Hiệu trưởng và kiêm Trưởng khoa, đứng thứ 4 từ trái sang và các Giáo sư của Trường Quản trị)

Buổi làm việc giữa Trường Kinh tế CSE với Phòng hợp tác quốc tế – Đại học Yuan Ze (GS. Liang – Trưởng phòng, đứng thứ tư từ trái sang)

 

Sinh viên tham quan làng Hakka và tập làm bánh mochi và trà Lei-cha

Sinh viên tham quan làng Hakka và tập làm bánh mochi và trà Lei-cha

 

Sinh viên tham quan làng Hakka và tập làm bánh mochi và trà Lei-cha

TRƯỜNG KINH TẾ CSE CỦNG CỐ VÀ MỞ RỘNG QUAN HỆ BỀN CHẶT

VỚI ĐỐI TÁC QUỐC TẾ

 

       Việc duy trì bền vững và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác đại học và các đơn vị nghiên cứu quốc tế luôn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ. Các hoạt động trong thời gian vừa qua đã mang lại kết quả tích cực cho việc củng cố mối quan hệ sâu rộng và bền chặt của Trường và các đơn vị bạn.

       Chiều ngày 21 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế CSE đã tiếp Gs.Ts. Jan Helder, nhà kinh tế cao cấp, chuyên gia phát triển chuỗi giá trị và hệ thống thị trường thuộc trung tâm Đổi mới và Phát triển Wageningen, Đại học Wagenigen, Hà Lan. Về phía Trường Kinh tế có sự chủ trì của Pgs.Ts. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng, Pgs.Ts. Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng, và Ths. Dương Quế Nhu – Giảng viên Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Tại buổi họp, Pgs. Lê đã có những cập nhật về tình hình phát triển và định hướng trong thời gian sắp tới của Trường Kinh tế CSE. Pgs. Tú thông tin về  những hoạt động có liên quan về học thuật và nghiên cứu của Trường.

       Cuộc gặp mặt sau đó đã đi sâu thảo luận về khả năng thực hiện và mở rộng các hoạt động trong thời gian sắp tới về công tác tìm kiếm tài trợ nghiên cứu chuyên sâu, thỉnh giảng, trình bày seminar, và hợp tác nghiên cứu khoa học.

 

Pgs. Ts. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE – cập nhật về tình hình hoạt động và định hướng trong thời gian sắp tới của Trường

 

Các đại biểu tham dự tại buổi gặp mặt 

       Cũng thuộc các hoạt động liên kết quốc tế, ngày 14 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế CSE cũng đã đón tiếp Mr. Johannes – Giám đốc chương trình Tài chính kinh doanh, Đại học Việt Đức đến thăm và làm việc. Đại diện Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ có Pgs.Ts. Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng nhà Trường, Pgs.Ts. Phan Đình Khôi – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Ts. Khưu Thị Phương Đông và Ts. Nguyễn Văn Thép – Giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng. Buổi gặp mặt mở đầu với việc trao đổi về các cơ hội hợp tác trong chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên giữa hai trường. Cơ hội hợp tác nghiên cứu và giảng dạy cũng là một trong những chủ đề được thảo luận bên cạnh đề xuất và tổ chức các seminar và các mảng có thế mạnh khác của hai bên.

 

Các đại biểu tại buổi gặp mặt 

       Buổi gặp mặt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc dẩy và mở rộng mạng lưới hợp tác giữa Trường Kinh tế CSE với các đơn vị trong và ngoài nước. Các hoạt động này chính là tiền đề cho các hoạt động phát triển đầy hứa hẹn về chuyên môn và thực tiễn của Trường trong thời gian tới.

       Về hoạt động trao đổi học thuật, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ và Trường Tunku Abdul Rahman University College Malaysia (TARC). Ngày 17 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế đã phối hợp cùng TARC tổ chức chuỗi bài giảng trực tuyến (Webinar) hoàn toàn miễn phí. Dự kiến chuỗi bài giảng gồm 11 chuyên đề, với chuyên đề đầu tiên đã được tổ chức và trình bày bởi Ts. Khoong Tai Wai với chủ đề về Marketing cho các dịch vụ tài chính.

 

Ts. Khoong Tai Wai đang trình bày bài giảng

 

Pgs. Ts. Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE thảo luận về nội dung bài giảng 

       Bài giảng đầu tiên này đã được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến với sự tham gia của báo cáo viên, quý thầy cô thuộc Trường Kinh tế CSE, các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh và sinh viên quan tâm tới học thuật. TS. Khoong Tai Wai đã trình bày chủ đề rất phù hợp với thực tiễn và mang tính thời sự về tài chính. Tác giả đã đi sâu phân tích các khái niệm và ứng dụng có liên quan về các hoạt động Marketing trong các dịch vụ về tài chính. Bên cạnh đó, TS. Khoong Tai Wai còn phân tích về các ví dụ thực tế tại Malaysia và quốc tế.

       Thông qua bài giảng, báo cáo viên cùng quý Thầy Cô đã phân tích, trao đổi trên môi trường trực tuyến để cùng đưa ra các phân tích, nhận định từ hàm ý của nội dung và ứng dụng của bài giảng. Mặc dù bài giảng diễn ra dưới hình thức trực tuyến nhưng các cuộc thảo luận, trao đổi cũng sôi nổi và hiệu quả không kém các bài giảng trực tiếp. Sự thành công của bài giảng online này sẽ tạo đà cho những buổi chia sẻ của các Thầy Cô tiếp theo, đây là mô hình cần được nhân rộng. 

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM VÀ KỶ NIỆM THÀNH LẬP

TRƯỜNG KINH TẾ CSE THUỘC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

 

      Chiều ngày 19 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế CSE đã long trọng tổ chức mừng ngày Nhà giáo Việt Nam và kỷ niệm thành lập Trường Kinh tế CSE thuộc Trường Đại học Cần Thơ (29 tháng 9 năm 2022).

      Tham dự buổi lễ mừng và lễ kỷ niệm có sự hiện diện của GS.TS. Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đại diện các Sở ban ngành, đoàn thể, đại diện các cơ sở đào tạo trong Vùng và hơn 400 quý vị đại biểu là các đơn vị, doanh nghiệp liên kết với Nhà trường, cán bộ viên chức và nguyên cán bộ viên chức thuộc Trường Kinh tế CSE đến tham dự và chúc mừng.

 

GS.TS. Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ phát biểu chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và Kỷ niệm thành lập Trường Kinh tế CSE

      Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS. Hà Thanh Toàn đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể Ban giám hiệu, các Thầy Cô giáo, cán bộ, người lao động qua nhiều thế hệ của Nhà trường. Đồng thời, GS. TS. Hà Thanh Toàn cũng nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp của Trường Kinh tế CSE luôn là một trong những đơn vị đi đầu thuộc Trường Đại học Cần Thơ về giảng dạy và nghiên cứu, đóng góp rất lớn trong sự phát triển chung  của Trường Đại học Cần Thơ. Trường Kinh tế CSE thuộc Trường Đại học Cần Thơ sẽ thực hiện theo sứ mệnh chung, quan trọng hơn là sẽ từng bước chủ động hơn, trách nhiệm hơn trong hoạt động chuyên môn để phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. 

      Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE đã gửi lời tri ân đến những cá nhân, tập thể đã cống hiến cho sự phát triển của Nhà trường. PGS. TS. Lê Khương Ninh cảm ơn các đơn vị có liên quan đã luôn đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của Trường Kinh tế CSE nói riêng và Trường Đại học Cần Thơ nói chung. Tập thể trường Kinh tế sẽ cố gắng hết sức nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Tính đến hiện tại, rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã được đào tạo từ Trường Kinh tế và đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhiều trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, rất nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học giỏi, các cán bộ quản lý năng động, sáng tạo và thành đạt trên vị trí công tác của mình. 

      Qua 43 năm hình thành và phát triển, Trường Kinh tế CSE hiện có 10 đơn vị trực thuộc, gồm 9 Khoa và Văn phòng Trường với khoảng 7.500 sinh viên, 570 học viên cao học và 55 nghiên cứu sinh. Ngoài ra, còn có Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Tư vấn Kinh tế là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ nhưng hoạt động chuyên môn theo hệ thống quản lý của Trường Kinh tế. Trường Kinh tế hiện đào tạo 11 ngành cử nhân chính quy và đa dạng các hình thức đào tạo từ xa và vừa làm vừa học. Ngoài ra, trường Kinh tế hiện đang đào tạo 5 ngành bậc cao học, đó là Kinh tế nông nghiệp, Quản trị kinh doanh, Tài chánh – Ngân hàng, Kinh tế học, và Quản lý kinh tế, trường cũng là đơn vị quản lý chuyên môn đối với 3 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, bao gồm Kinh tế nông nghiệp, Quản trị kinh doanh và Tài chánh – Ngân hàng. Song song với tổ chức đào tạo, nhà trường còn ký kết hợp tác với các trường trong và ngoài nước để triển khai các chương trình học tập liên kết, đào tạo song ngành, nghiên cứu khoa học. Nhà trường tự hào đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội. 

      Hình ảnh buổi lễ

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Trường Kinh tế CSE khai mạc buổi lễ

Cô Đỗ Thị Tuyết – Đại diện nguyên giảng viên Trường Kinh tế CSE chia sẻ cảm xúc trong ngày đặc biệt của Trường

Đại diện các cơ quan đơn vị có liên kết hợp tác với Trường Kinh tế CSE tặng hoa đến tập thể Ban giám hiệu nhà trường

 

Ban giám hiệu Trường Kinh tế CSE tặng hoa chúc mừng đến nguyên lãnh đạo và nguyên giảng viên Trường

HỘI THẢO ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VÀ

DU LỊCH NÔNG THÔN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

       Ngày 28 tháng 9 năm 2022, Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ và Tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đầu tư và phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 130 đại biểu đại diện các sở ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đức và Indonesia.

 

Toàn cảnh Hội thảo tại Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ 

       Hội thảo đã diễn ra với phiên toàn thể, trong đó có 4 báo cáo chính được trình bày, cụ thể gồm  (1) “From Can Tho to Germany: EVFTA and Agricultural Products” do GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia FNF, Đức, (2) “Giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long” do PGS. TS. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE trình bày; (3) “The Role of Cultural Distance on International Tourism Arrivals in the ASEAN Region: A Gravity Model” do TS. Miguel Angel Esquivias, Airlangga University, Indonesia ;và (4) “The Role of Cooperatives in Improving the Financial Efficiency of Vietnamese agriculture:  the Case of Rice Farming in the Mekong River Delta” do TS. Sitti Rahma Ma’Mun, Muhammadiyah Kendari University, Indonesia trình bày. 

       Sau phiên chung là 3 phiên hội thảo chuyên đề riêng biệt gồm (1) Đầu tư và phát triển thị trường nông sản, (2) Sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững, và (3) Phát triển du lịch nông thôn. Trong 3 phiên này có 15 báo cáo được chọn lọc và trình bày, nội dung của Hội thảo xoay quanh các vấn đề rất đa dạng về Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế thủy sản, Kinh tế du lịch nông thôn, Quản lý du lịch nông thôn, Quản lý nông nghiệp, Quản lý thủy sản, Kinh tế tài nguyên và môi trường, Thương mại trong nông nghiệp, Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị rủi ro trong nông nghiệp, Quản trị rủi ro trong du lịch nông thôn, và các chủ đề liên quan khác.

 

GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơphát biểu khai mạc hội thảo

 

Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo

 

 Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Cần Thơ, tặng quà lưu niệm đến Tổ chức FNF

 

PGS.TS. Lê Khương Ninh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSEthay mặt Ban Tổ chức tặng hoa đến các đại biểu 

       Hội thảo đã tạo cơ hội để các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học có cơ hội trao đổi kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy tiềm năng, thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản cũng như du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tận dụng những thế mạnh vốn có, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững cho vùng.

 

GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia FNF, trình bày báo cáo chính về: Từ Cần Thơ đến Đức - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU và sản phẩm nông nghiệp (From Can Tho to Germany: EVFTA and Agricultural Products)

 

PGS.TS. Lê Khương Ninh báo cáo về giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long

       Hội thảo đã rút kết kinh nghiệm, bài học của các nước trong việc phát triển thị trường nông sản bền vững và du lịch nông thôn; xác định xu hướng phát triển nông sản và du lịch nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều khuyến nghị chính sách được đề xuất cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Hội thảo mở ra cơ hội để doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ và doanh nghiệp tại Đức tìm hiểu, trao đổi về tiềm năng đầu tư, hợp tác, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. 

       Tổng kết hội thảo đã tập hợp được hơn 40 bài viết có chất lượng vượt trội và đã được in thành kỷ yếu Hội thảo quốc tế có chỉ số ISBN được tính điểm thuộc danh mục Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước quy định do PGS. TS. Lê Khương Ninh làm chủ biên.

       Hình ảnh các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

 

 

 

 

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Chiêu sinh các khóa ngắn hạn

Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

Số lượt truy cập

17338250

TRƯỜNG KINH TẾ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3838831. Fax: 0292.3839168
Email: tkt@ctu.edu.vn