HỘI THẢO ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VÀ
DU LỊCH NÔNG THÔN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 28 tháng 9 năm 2022, Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ và Tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đầu tư và phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 130 đại biểu đại diện các sở ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đức và Indonesia.
Toàn cảnh Hội thảo tại Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ
Hội thảo đã diễn ra với phiên toàn thể, trong đó có 4 báo cáo chính được trình bày, cụ thể gồm (1) “From Can Tho to Germany: EVFTA and Agricultural Products” do GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia FNF, Đức, (2) “Giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long” do PGS. TS. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE trình bày; (3) “The Role of Cultural Distance on International Tourism Arrivals in the ASEAN Region: A Gravity Model” do TS. Miguel Angel Esquivias, Airlangga University, Indonesia ;và (4) “The Role of Cooperatives in Improving the Financial Efficiency of Vietnamese agriculture: the Case of Rice Farming in the Mekong River Delta” do TS. Sitti Rahma Ma’Mun, Muhammadiyah Kendari University, Indonesia trình bày.
Sau phiên chung là 3 phiên hội thảo chuyên đề riêng biệt gồm (1) Đầu tư và phát triển thị trường nông sản, (2) Sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững, và (3) Phát triển du lịch nông thôn. Trong 3 phiên này có 15 báo cáo được chọn lọc và trình bày, nội dung của Hội thảo xoay quanh các vấn đề rất đa dạng về Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế thủy sản, Kinh tế du lịch nông thôn, Quản lý du lịch nông thôn, Quản lý nông nghiệp, Quản lý thủy sản, Kinh tế tài nguyên và môi trường, Thương mại trong nông nghiệp, Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị rủi ro trong nông nghiệp, Quản trị rủi ro trong du lịch nông thôn, và các chủ đề liên quan khác.
GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu khai mạc hội thảo
Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo
Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Cần Thơ, tặng quà lưu niệm đến Tổ chức FNF
PGS.TS. Lê Khương Ninh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE, thay mặt Ban Tổ chức tặng hoa đến các đại biểu
Hội thảo đã tạo cơ hội để các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học có cơ hội trao đổi kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy tiềm năng, thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản cũng như du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tận dụng những thế mạnh vốn có, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững cho vùng.
GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia FNF, trình bày báo cáo chính về: Từ Cần Thơ đến Đức - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU và sản phẩm nông nghiệp (From Can Tho to Germany: EVFTA and Agricultural Products)
PGS.TS. Lê Khương Ninh báo cáo về giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Hội thảo đã rút kết kinh nghiệm, bài học của các nước trong việc phát triển thị trường nông sản bền vững và du lịch nông thôn; xác định xu hướng phát triển nông sản và du lịch nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều khuyến nghị chính sách được đề xuất cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Hội thảo mở ra cơ hội để doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ và doanh nghiệp tại Đức tìm hiểu, trao đổi về tiềm năng đầu tư, hợp tác, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Tổng kết hội thảo đã tập hợp được hơn 40 bài viết có chất lượng vượt trội và đã được in thành kỷ yếu Hội thảo quốc tế có chỉ số ISBN được tính điểm thuộc danh mục Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước quy định do PGS. TS. Lê Khương Ninh làm chủ biên.
Hình ảnh các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo