TRƯỜNG KINH TẾ CSE CỦNG CỐ VÀ MỞ RỘNG QUAN HỆ BỀN CHẶT
VỚI ĐỐI TÁC QUỐC TẾ
Việc duy trì bền vững và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác đại học và các đơn vị nghiên cứu quốc tế luôn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ. Các hoạt động trong thời gian vừa qua đã mang lại kết quả tích cực cho việc củng cố mối quan hệ sâu rộng và bền chặt của Trường và các đơn vị bạn.
Chiều ngày 21 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế CSE đã tiếp Gs.Ts. Jan Helder, nhà kinh tế cao cấp, chuyên gia phát triển chuỗi giá trị và hệ thống thị trường thuộc trung tâm Đổi mới và Phát triển Wageningen, Đại học Wagenigen, Hà Lan. Về phía Trường Kinh tế có sự chủ trì của Pgs.Ts. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng, Pgs.Ts. Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng, và Ths. Dương Quế Nhu – Giảng viên Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Tại buổi họp, Pgs. Lê đã có những cập nhật về tình hình phát triển và định hướng trong thời gian sắp tới của Trường Kinh tế CSE. Pgs. Tú thông tin về những hoạt động có liên quan về học thuật và nghiên cứu của Trường.
Cuộc gặp mặt sau đó đã đi sâu thảo luận về khả năng thực hiện và mở rộng các hoạt động trong thời gian sắp tới về công tác tìm kiếm tài trợ nghiên cứu chuyên sâu, thỉnh giảng, trình bày seminar, và hợp tác nghiên cứu khoa học.
Pgs. Ts. Lê Khương Ninh – Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE – cập nhật về tình hình hoạt động và định hướng trong thời gian sắp tới của Trường
Các đại biểu tham dự tại buổi gặp mặt
Cũng thuộc các hoạt động liên kết quốc tế, ngày 14 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế CSE cũng đã đón tiếp Mr. Johannes – Giám đốc chương trình Tài chính kinh doanh, Đại học Việt Đức đến thăm và làm việc. Đại diện Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ có Pgs.Ts. Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng nhà Trường, Pgs.Ts. Phan Đình Khôi – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Ts. Khưu Thị Phương Đông và Ts. Nguyễn Văn Thép – Giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng. Buổi gặp mặt mở đầu với việc trao đổi về các cơ hội hợp tác trong chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên giữa hai trường. Cơ hội hợp tác nghiên cứu và giảng dạy cũng là một trong những chủ đề được thảo luận bên cạnh đề xuất và tổ chức các seminar và các mảng có thế mạnh khác của hai bên.
Các đại biểu tại buổi gặp mặt
Buổi gặp mặt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc dẩy và mở rộng mạng lưới hợp tác giữa Trường Kinh tế CSE với các đơn vị trong và ngoài nước. Các hoạt động này chính là tiền đề cho các hoạt động phát triển đầy hứa hẹn về chuyên môn và thực tiễn của Trường trong thời gian tới.
Về hoạt động trao đổi học thuật, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ và Trường Tunku Abdul Rahman University College Malaysia (TARC). Ngày 17 tháng 11 năm 2022, Trường Kinh tế đã phối hợp cùng TARC tổ chức chuỗi bài giảng trực tuyến (Webinar) hoàn toàn miễn phí. Dự kiến chuỗi bài giảng gồm 11 chuyên đề, với chuyên đề đầu tiên đã được tổ chức và trình bày bởi Ts. Khoong Tai Wai với chủ đề về Marketing cho các dịch vụ tài chính.
Ts. Khoong Tai Wai đang trình bày bài giảng
Pgs. Ts. Phan Anh Tú – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE thảo luận về nội dung bài giảng
Bài giảng đầu tiên này đã được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến với sự tham gia của báo cáo viên, quý thầy cô thuộc Trường Kinh tế CSE, các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh và sinh viên quan tâm tới học thuật. TS. Khoong Tai Wai đã trình bày chủ đề rất phù hợp với thực tiễn và mang tính thời sự về tài chính. Tác giả đã đi sâu phân tích các khái niệm và ứng dụng có liên quan về các hoạt động Marketing trong các dịch vụ về tài chính. Bên cạnh đó, TS. Khoong Tai Wai còn phân tích về các ví dụ thực tế tại Malaysia và quốc tế.
Thông qua bài giảng, báo cáo viên cùng quý Thầy Cô đã phân tích, trao đổi trên môi trường trực tuyến để cùng đưa ra các phân tích, nhận định từ hàm ý của nội dung và ứng dụng của bài giảng. Mặc dù bài giảng diễn ra dưới hình thức trực tuyến nhưng các cuộc thảo luận, trao đổi cũng sôi nổi và hiệu quả không kém các bài giảng trực tiếp. Sự thành công của bài giảng online này sẽ tạo đà cho những buổi chia sẻ của các Thầy Cô tiếp theo, đây là mô hình cần được nhân rộng.