KHOA KINH TẾ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI
TRƯỜNG KINH DOANH CHÂU ÂU (ISAG-EUROPEAN BUSINESS SCHOOL)
Chiều ngày 19/05/2022, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ tiếp và làm việc với Gs. Elvira Pacheco Vieira, Tổng Giám đốc và Ts. Catarina Sousa Lopes, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế Trường Kinh doanh Châu Âu (ISAG - European Business School).
ISAG - European Business School là trường đại học bách khoa tư thục được thành lập năm 1979, đặt tại thành phố Porto (Bồ Đào Nha). Với lịch sử hơn 40 năm, ISAG là một trong những trường tiên phong và chất lượng trong đào tạo về Quản lý và Du lịch ở miền Bắc Bồ Đào Nha. Trường cung cấp 5 chương trình bậc đại học và 2 chương trình thạc sĩ với khoảng 1.100 sinh viên.
Tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Khoa Kinh tế có Pgs. Ts. Lê Khương Ninh – Trưởng Khoa, Pgs. Ts. Phan Anh Tú – Phó trưởng Khoa, Pgs. Ts. Võ Văn Dứt – Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, và Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng bộ môn Kinh tế Nông nghiệp.
Phát biểu của Pgs. Ts. Lê Khương Ninh - Trưởng Khoa Kinh tế tại buổi làm việc
Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi và giới thiệu các thông tin về hai đơn vị, phát triển hoạt động hợp tác trong thời gian qua và bàn về các hoạt động hợp tác trong thời gian sắp tới. Hai bên thống nhất sẽ có những hoạt động thiết thực không ngừng phát triển hợp tác giữa hai đơn vị, từ đó giúp nâng cao năng lực nghiên cứu, trao đổi giảng viên, trao đổi và đào tạo sinh viên.
Về phía trường Kinh doanh Châu Âu, Gs. Elvira bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng với Khoa Kinh tế trên góc độ đào tạo bằng đôi, trao đổi sinh viên, các hoạt động nghiên cứu và hợp tác khác.
Đại diện lãnh đạo hai đơn vị tại buổi làm việc
Phát biểu của đại diện Trường ISAG tại buổi làm việc
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khoa Kinh tế
Cũng nhân dịp này, Khoa Kinh tế đã tổ chức Seminar chuyên đề “Kinh tế quốc tế - Nghiên cứu so sánh giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam” do Gs. Elvira trình bày. Mục đích của buổi Seminar nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thương quốc tế trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Bên cạnh đó, buổi Seminar cũng là dịp đăc biệt để các bạn sinh viên khối ngành Kinh doanh quốc tế nói riêng và sinh viên Kinh tế nói chung có cái nhìn đa chiều về kinh tế quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Buổi Seminar thành công thu hút được hơn 100 giảng viên và sinh viên có quan tâm đến lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Giáo sư Elvira trình bày Seminar quốc tế và thảo luận với đại biểu tham dự
Đại biểu tham dự Seminar quốc tế chụp ảnh lưu niệm
GIÁO SƯ ÚC VÀ CHÂU ÂU GIẢNG DẠY CÁC HỌC PHẦN
NGÀNH KINH DOANH QUỐC TẾ CHẤT LƯỢNG CAO CỦA KHOA KINH TẾ
Khoa Kinh tế (Đại học Cần Thơ) đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng với yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhằm cung cấp những kiến thức và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ các nước tiên tiến đến sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế chương trình Chất lượng cao nói riêng (sau đây gọi tắt là IB) nói riêng. Mặc dù những khó khăn do dịch Covid-19 trong thời gian qua, nhưng Bộ môn Kinh doanh quốc tế và Khoa đã nỗ lực mời giảng thành công 4 giáo sư đến từ Úc và Châu Âu cho các học phần chuyên ngành IB trong học kỳ II năm học 2021-2022 thông qua hình thức trực tuyến. Chi tiết về việc mời giảng được giới thiệu dưới đây.
PGS.TS Ngô Viết Liêm – Trường Đại học New South Wales, Sydney, Úc
PGS.TS Ngô Viết Liêm đang công tác tại trường đại học New South Wales tại Sydney, Úc. Thầy Liêm là Tổng biên tập tạp chí Marketing Úc. Thầy Liêm bắt đầu công việc nghiên cứu từ năm 2007 và kể từ đó đến nay, thầy đã xuất bản 57 bài báo khoa học, 54 tham luận khoa học, và 2 sách nghiên cứu tình huống. Các công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí uy tín như Journal of Service Research, International Journal of Research in Marketing, Journal of Product Innovation Management, British Journal of Management, Industrial Marketing Management, European Journal of Marketing, Long Range Planning, Journal of Services Marketing, Journal of Retailing & Consumer Services, Psychology & Marketing, Journal of Business Research, Journal of Marketing Management, Journal of Brand Management, Australasian Marketing Journal, và Journal of Business and Industrial Marketing. Thầy Liêm cũng đã và đang chủ trì thực hiện nhiều dự án nghiên cứu tập trung đến quản lý khách hàng (chẳng hạn: sự quan tâm, thông cảm, hành vi tập thể), cải tiến trong mô hình kinh doanh, và vấn đề khởi nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi.
Thầy Liêm đã giảng dạy môn Marketing quốc tế cho sinh viên IB khóa 44 các lớp M01, M02 và M03 kể từ ngày 04 đến ngày 22 tháng 01 năm 2022. Dưới đây một số hình ảnh về lớp học online của PGS.TS Ngô Viết Liêm.
PGS.TS Ngô Viết Liêm giới thiệu môn học Marketing quốc tế
Một phần bài giảng của PGS.TS Ngô Viết Liêm
Giáo sư Gordon Müller-Seitz – Đại học Kỹ thuật Kaiserslautern, CH Liên bang Đức
Giáo sư Gordon Müller-Seitz là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược, cải tiến và hợp tác tại Bộ môn Quản trị kinh doanh, Kinh tế và Kỹ thuật tại trường Đại học Kaiserslautern, CH Liên Bang Đức. Giáo sư chuyên giảng dạy các học phần Quản lý chiến lược kinh doanh, Phát triển bền vững (Bậc đại học), Quản lý chuyển đổi số, Quản trị đổi mới, Quản trị đối ngoại đa văn hóa, và Phương pháp định tính (bậc thạc sỹ), Nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu (bậc tiến sỹ) và một số học phần khác. Giáo sư Gordon Müller-Seitz đã có gần 40 bài báo khoa học và hơn 12 báo cáo khoa học, xuất bản đặc biệt khác.
Giáo sư Gorden Müller-Seitz đã rất vui khi tham gia giảng dạy môn Quản trị đổi mới trong tập đoàn đa quốc gia cho sinh viên IB khóa 44 (lớp M01, M02, M03) từ ngày 14/2 đến 11/3 năm 2022. Dưới đây là một số hình ảnh về khóa học online của Giáo sư Gordon Müller-Seitz.
Giáo sư Gordon Müller-Seitz giới thiệu thời khóa biểu môn học đến sinh viên IB
Giáo sư Gordon Müller-Seitz giới thiệu thời khóa biểu môn học đến sinh viên IB
Tiến sỹ Hammad Haq – Đại học Groningen, Hà Lan
Tiến sỹ Hammad Haq hiện đang giảng dạy tại trường Groningen, Hà Lan. Tiến sỹ Hammad đã giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cho bậc cử nhân và thạc sỹ. Các môn học Tiến sỹ Hammad tham gia giảng dạy gồm Chiến lược kinh doanh quốc tế, Môi trường kinh doanh quốc tế, Quản lý các tổ chức kinh doanh quốc tế, Phương pháp nghiên cứu và các môn học khác. Tiến sỹ Hammad quan tâm nghiên cứu đến các vấn đề về mối liên hệ giữa công ty con và hội sở chính trong cùng một tập đoàn đa quốc gia, và các hoạt động chính trị hoặc chiến lược kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Các nghiên cứu của Tiến sỹ được xuất bản ở các tạp chí có uy tín như Journal of World Business, Scandinavian Journal of Management, European Management Journal, và European Journal of International Management.
Tiến Sỹ Hammand đã nhiệt tình tham gia giảng dạy trực tuyến học phần Chiến lược kinh doanh quốc tế (KT309H) cho sinh viên IB Khóa 44 mã số lớp M01, M02, M03 từ ngày 14/03 đến 24/4 năm 2022. Dưới đây là hình ảnh về lớp học của TS. Hammad Haq.
Hammad Haq đang giới thiệu về nội dung môn học
Các sinh viên tham gia lớp học trực tuyến của TS. Hammad Haq
Tiến sỹ Monique Kroese – Đại học Groningen, Hà Lan
Tiến sỹ Monique là giảng viên và huấn luyện viên cao cấp cho các môn học kỹ năng nghề nghiệp và học thuật, giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, và kỹ năng lãnh đạo (và tự lãnhh đạo) tại Đại học Groningen, Hà Lan. Cô Monique còn là chuyên gia đào tạo về ngôn ngữ của Đại học Amsterdam và Victoria University of Manchester ở Anh. Cô còn cộng tác với Đại học Báo chí ở Hà Lan, và là giáo viên và thông dịch viên ở Cộng hòa Iceland. Sau 10 năm giảng dạy tại Đại học Groningen, cô Monique tạm ngưng giảng dạy để làm công tác đào tạo, tư vấn cho các công ty, tập đoàn. Cô trở lại giảng dạy cho Đại học Groningen, Khoa Kinh tế và Kinh doanh từ năm 2008 đến nay, trong khi vẫn tiếp tục là chuyên viên đào tạo kỹ năng giao tiếp trong môi trường doanh nghiệp cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Tiến sỹ Monique đã rất nhiệt tình tham gia giảng dạy môn học Kỹ năng giải quyết vấn đề (KT058H) cho sinh viên IB khóa 45 các lớp M01, M02, M03 and M04 từ ngày 21 tháng 2 đến ngày 02 tháng 03 năm 2022. Dưới đây là một số hình ảnh về lớp học của TS.Monique.
Kết thúc các học phần, giảng viên đánh giá sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế năng động, tích cực tham gia thảo luận các tình huống và bài tập nhóm. Các giảng viên đều mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Bộ môn, Khoa trong hoạt động đào tạo, trong nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật trong tương lai. Bên cạnh đó, theo kết quả phản hồi của sinh viên về các học phần mời giảng, sinh viên đã học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn mới từ các giáo sư. Đồng thời, kết quả phản hồi cho thấy có trên 95% sinh viên rất thỏa mãn về nội dung và phương pháp truyền đạt kiến thức của các giảng viên đến sinh viên từ các học phần trên.
Phần giới thiệu trong học phần Kỹ năng giải quyết vấn đề của TS.Monique
Các yêu cầu để hoàn thành khóa học online của TS. Monique
TS.Monique hài lòng khi sinh viên trả lời câu hỏi
KÝ KẾT HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ,
HIỆP HỘI KẾ TOÁN CÔNG CHỨNG ANH QUỐC – VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM
(ACCA VIỆT NAM) VÀ HỘI KIỂM TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ VIỆT NAM (VACPA)
Lễ ký kết MOU theo hình thức trực tuyến giữa Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc – Văn phòng đại diện tại Việt Nam (ACCA Việt Nam) và Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã diễn ra vào ngày 23/03/2022.
Về phía Trường ĐHCT, có sự tham dự của PGS.TS. Lê Khương Ninh – Trưởng Khoa Kinh tế, đại diện Trường ĐHCT, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đặng – Trưởng Bộ môn Kế toán – Kiểm toán, PGS.TS. Phan Đình Khôi – Trưởng Bộ môn Tài chính - Ngân hàng, PGS.TS. Lê Long Hậu – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế, cùng giảng viên của Bộ môn Kế toán – Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng và đại diện sinh viên ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng.
Về phía ACCA Việt Nam, có sự tham dự của bà Nguyễn Thụy Minh Châu – Trưởng Đại diện ACCA tại Việt Nam, bà Phạm Nguyễn Thị Ngọc Châu – Trưởng ban cao cấp Đối ngoại – Khối giáo dục đào tạo, ACCA Việt Nam và bà Hoàng Vũ Ngọc Oanh – Trưởng Ban Phát triển Kinh doanh, ACCA Việt Nam.
Về phía VACPA, có sự tham dự của TS. Trần Khánh Lâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACPA, Ông Nguyễn Thanh Sang – Tổng giám đốc công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt, Ủy viên ban chấp hành VACPA.
Ba bên thống nhất hợp tác: (i) tổ chức giảng dạy các khóa đào tạo chứng chỉ phối hợp ACCA – VACPA về Lập báo cáo tài chính quốc tế (CertIFR) tại Khoa Kinh tế, Trường ĐHCT; (ii) triển khai các hoạt động dành cho sinh viên của Trường ĐHCT trong chương trình ACCA-VACPA Job Fast Track; (iii) giới thiệu cho các Hội viên tổ chức của VACPA ưu tiên xét tuyển thực tập sinh/ tuyển dụng nhân viên là sinh viên của Trường ĐHCT đã học và thi đỗ Chứng chỉ Lập báo cáo tài chính quốc tế CertIFR của ACCA và VACPA; (iv) tổ chức lớp học ngoại khóa cho sinh viên của Trường về sự khác biệt cơ bản giữa Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và các Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS); và cùng với các hoạt động khác cho giảng viên và sinh viên Trường ĐHCT...
Sự hợp tác ý nghĩa giữa CTU, ACCA và VACPA cùng với các hoạt động nhằm giúp các sinh viên ngành Kế toán và Kiểm toán của Khoa Kinh tế, Trường ĐHCT tăng cường kiến thức, kỹ năng thực tiễn và kỹ năng mềm trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán, giúp các em có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Hình ảnh của buổi Lễ ký kết
PGS.TS. Lê Khương Ninh (CTU), bà Nguyễn Thụy Minh Châu (ACCA Việt Nam) và TS. Trần Khánh Lâm (VACPA) ký kết MOU.
Chụp hình lưu niệm lễ ký kết MoU
Chụp hình lưu niệm lễ ký kết MoU
HỘI THẢO Ý KIẾN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH,
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ VÀ TIẾN SĨ
NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG THEO THÔNG TƯ 17/2021/TT-BGDĐT
Nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, Khoa Kinh tế, đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc điều chỉnh, xây dựng Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng theo định hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng, và Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng. Hội thảo diễn ra vào ngày 06 tháng 01 năm 2022 tại Khoa Kinh tế. Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm các thành viên Tổ điều chỉnh theo Quyết định, đại diện lãnh đạo, quản lý, và bộ phận hỗ trợ giảng dạy từ Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Kinh tế, Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, cùng lãnh đạo của các bộ môn và các giảng viên của Khoa Kinh tế. Đặc biệt, hội thảo chào đón các chuyên gia, nhà quản lý và sử dụng lao động đến từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, các trường đại học, và các anh chị cựu học viên sau đại học cùng tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Bộ môn Tài chính – Ngân hàng được ghi nhận là đơn vị đào tạo đại học có chất lượng và là nơi đào tạo lực lượng lao động có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho thị trường lao động, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trong nhiều năm qua. Các ý kiến trao đổi của các đại biểu tập trung làm rõ mục tiêu đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng trong chương trình đào tạo. Đồng thời, nhiều ý kiến nhấn mạnh mức độ liên thông kiến thức bậc cao học với bậc tiến sĩ trong chương trình đào tạo.
Kết quả thảo luận của Hội thảo đã làm rõ mục tiêu của chương trình đào tạo Thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên môn có hệ thống và kỹ năng phân tích để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong khi đó, mục tiêu của chương trình đào tạo thạc sĩ theo hướng nghiên cứu cần bổ sung kỹ năng nghiên cứu giải quyết vấn đề độc lập trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bên cạnh các kiến thức và kỹ năng của chương trình đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng. Ở bậc tiến sĩ, chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên môn sâu về quản lý hệ thống trong xu thế hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa. Ở chương trình đào tạo tiến sĩ, mục tiêu đào tạo cần hướng đến trang bị kiến thức nâng cao về hệ thống tài chính, các tài sản và dịch vụ tài chính, các nguyên lý định giá tài sản và những công cụ phân tích định tính và định lượng trong hoạch định chiến lược và chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Hội thảo còn là nơi cựu học viên trao đổi và chia sẻ những trải nghiệm của bản thân cũng như khả năng ứng dụng kiến thức được đào tạo vào công việc hiện tại. Đồng thời, những chuyên gia và nhà sử dụng lao động chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự ngành tài chính – ngân hàng, và đề xuất các kỹ năng cần thiết bổ sung vào Chương trình đào tạo.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Tổ xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo tiếp nhận ý kiến và sẽ xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các học phần nhằm đạt được tốt nhất kỳ vọng của các bên liên quan. Đồng thời, Tổ điều chỉnh đã tự đánh giá được những điểm mạnh và điểm hạn chế của chương trình đào tạo hiện hành. Những ý kiến đánh giá của các bên liên quan là cơ sở quan trọng để Bộ môn Tài chính – Ngân hàng thực hiện điều chỉnh và hoàn thiện chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng trong thời gian tới.
Hình 1-2. Quý Thầy Cô đến từ Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, Khoa Kinh tế tại phòng họp Khoa nơi diễn ra Hội thảo trực tuyến
Hình 3. Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của các bên liên quan