DẤU ẤN CỦA TRƯỜNG KINH TẾ CSE
TRONG ĐỒNG TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
VÀ TRAO ĐỔI SINH VIÊN TẠI ĐẠI HỌC TUNKU ABDUL RAHMAN (MALAYSIA)
Chương trình trao đổi ngắn hạn kết hợp với đồng tổ chức Hội thảo quốc tế tại Malaysia đã đánh dấu một dấu ấn về hợp tác quốc tế của Trường Kinh tế CSE và mở ra cơ hội cho đoàn sinh viên đến từ Trường Kinh tế CSE tiếp xúc và tìm hiểu về nền văn hóa, giáo dục, và kinh tế của đất nước này.
Chuyến đi trao đổi nhằm mục tiêu chính là tạo cơ hội cho sinh viên từ các quốc gia khác nhau tương tác, học hỏi và trải nghiệm văn hóa mới. Sinh viên cũng được cung cấp cơ hội nâng cao kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng mềm thông qua các hoạt động thực tế và học tập. Đồng thời, chương trình trao đổi còn đóng góp tích cực vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Trường Kinh tế CSE (Việt Nam) và Trường Đại học TAR UMT (Malaysia). Sinh viên đã có cơ hội tham gia vào một chương trình đầy thử thách và hấp dẫn ngay từ những ngày đầu 7/8/2023 đến ngày 13/8/2023 tại TUNKU ABDUL RAHMAN UNIVERSITY OF MANAGEMENT AND TECHNOLOGY. Trong chuyến trao đổi lần này, đội ngũ giảng viên dẫn đoàn là Cô Dương Quế Nhu – Giảng viên Khoa Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và Cô Nguyễn Thị Thúy Ngân – Giảng viên Khoa Kinh tế học, cùng với 17 sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau thỏa điều kiện tuyển chọn chặt chẽ về học lực và tiếng Anh.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại TAR UMT University
Đặc biệt hơn các chuyến trao đổi khác, chuyến đi lần này Trường Kinh tế CSE là đồng tổ chức của Hội nghị khoa học quốc tế TAR UMT INTERNATIONAL RESEARCHER AND STUDENT CONFERENCE 2023 với chủ đề “Sustainability in the New Economy” trong hai ngày 10 và 11/8/2023 tại Malaysia. Phái đoàn của Trường Kinh tế CSE gồm thầy Hiệu trưởng PGS.TS. Lê Khương Ninh, thầy Hiệu phó PGS. TS. Phan Anh Tú và các thầy cô là lãnh đạo các Khoa của CSE, với vai trò là đơn vị đồng chủ trì Hội thảo. Các hoạt động cụ thể như vai trò là chủ tịch các phiên thảo luận, tham gia bình duyệt bài báo khoa học, và tham gia trình bày các nghiên cứu tại Hội nghị. Đồng hành cùng quý thầy cô là 17 sinh viên CSE có thành tích học tập xuất sắc đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Malaysia. Các em sinh viên được tiếp nhận kiến thức về nhiều khía cạnh khác nhau về sự phát triển bền vững trong nền kinh tế mới từ các diễn giả của Hội nghị.
Hình ảnh các thầy cô và sinh viên Trường Kinh tế CSE tại Hội nghị quốc tế
Sau khi hội nghị kết thúc, phái đoàn CSE gồm các thầy cô và sinh viên được trường TAR UMT mời dự buổi GALA DINNER. Dưới sự chứng kiến của các thành viên tham gia hội nghị, Chủ tịch hội nghị – GS.TS. Lee Sze Wei, trao các chứng nhận tham gia cho các đối tác, trong đó có Trường Kinh tế CSE với tư cách chủ tịch các phiên thảo luận của Hội nghị. Sự kiện này là một dấu ấn để ghi nhớ về đẩy mạnh mở rộng mạng lưới học thuật quốc tế của CSE với các đối tác quốc tế của Trường.
Nhận chứng nhận đồng tổ chức với tư cách chủ tịch các phiên thảo luận tại Hội nghị
Không gì có thể so sánh với việc tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ và văn hóa mới. Khóa học về văn hóa và ngôn ngữ Malaysia đã khơi dậy ý thức học hỏi trong sinh viên. Sinh viên hòa mình vào những bài học sôi động và hiểu rõ hơn về cách ngôn ngữ và văn hóa tác động lẫn nhau. Sinh viên được học về những giá trị cốt lõi, tập tục, và truyền thống của người dân Malaysia. Như một bức tranh đầy màu sắc, sinh viên chứng kiến sự đa dạng về tôn giáo, ngôn ngữ, và phong tục trong xã hội này thông qua các workshop về văn hóa và tiếng Anh.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tham gia các workshop
Những buổi học tại các trường đại học địa phương không chỉ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức mới mà còn hiểu rõ hơn về văn hoá và hệ thống giáo dục tại Malaysia. Sinh viên tham gia vào các cuộc thảo luận sôi nổi với sinh viên địa phương, chia sẻ kiến thức và quan điểm. Đây thực sự là một cơ hội quý báu để trao đổi ý kiến, học hỏi, và khám phá sự khác biệt trong cách suy nghĩ và học tập giữa sinh viên hai trường.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE cùng với sinh viên TAR UMT University
Chuyến đi không chỉ dừng lại ở phạm vi học tập, sinh viên còn có cơ hội trải nghiệm thực tế bằng hoạt động tham quan tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Malaysia.
Nơi đầu tiên, đoàn được tham gia là Phố người Hoa (China Town). Đến với China Town, sinh viên rất ấn tượng với những tòa nhà mang đậm phong cách kiến trúc Trung Quốc cổ điển, cùng với những tòa nhà hiện đại, tạo nên bức tranh đa sắc về sự hòa quyện giữa quá khứ và tương lai. Tại đây, các bạn có thể thỏa sức mua sắm và khám phá những món đồ độc đáo, từ thực phẩm truyền thống đến thời trang và đồ trang sức phong cách. Hơn thế nữa, đoàn có dịp được thưởng thức những món ăn Trung Hoa tại một quán ăn nổi tiếng bậc nhất khu China Town.
Khung cảnh tại khu China Town, Kuala Lumpur
Hình ảnh món ăn Trung Hoa và Ấn Độ được chiêu đãi bởi trường bạn
Tiếp đến, sinh viên di chuyển đến Chợ Trung tâm (Central Market). Central Market, một địa điểm vô cùng độc đáo và quyến rũ tại Malaysia, không chỉ là một điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một bảo tàng văn hóa sống động. Nằm ở trái tim thủ đô Kuala Lumpur, Central Market là một kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa truyền thống và sự hiện đại. Khi bước vào Central Market, bạn sẽ bị cuốn hút ngay bởi không gian nghệ thuật và sự sống động của chợ. Tại đây, bạn có cơ hội thả mình vào thế giới đầy màu sắc của nghệ thuật dân gian, tranh vẽ, đồ thủ công và đồ trang sức.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại Central Market
Một địa điểm khác, sinh viên có được sự trải nghiệm thú vị về thiên nhiên, nông nghiệp và trải nghiệm gần gũi với động vật. Đó là Farm Fresh UPM. Farm Fresh UPM là một trang trại mô phỏng như một ngôi làng nông thôn, nơi bạn có thể tận hưởng không gian mở, gió mát và cảm nhận bầu không khí trong lành của nông trường. Điều đặc biệt ở đây là bạn có cơ hội tiếp xúc và tương tác trực tiếp với các loài động vật nông sản, từ bò sữa cho đến dê, cừu và ngựa. Đây thực sự là một trải nghiệm độc đáo để trải nghiệm việc nuôi dưỡng và chăm sóc động vật, hiểu rõ hơn về cách họ ảnh hưởng đến cuộc sống nông nghiệp và thực phẩm của chúng ta. Tại đây, sinh viên còn có thể thưởng thức được những viên kem và ly trà sữa thơm ngon được làm từ sữa ở nông trại.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại Farm Fresh UPM
Chuyến hành trình này, không thể thiếu tìm hiểu sâu hơn về văn hóa nước bạn. Chính vì thế, đoàn tiếp tục di chuyển đến Trung tâm Du lịch Malaysia (Malaysia Tourism Centre - MATIC). MATIC không chỉ là một điểm dừng chân để tìm kiếm thông tin về du lịch mà còn là một không gian độc đáo để khám phá văn hóa và truyền thống của Malaysia. Trong tòa nhà màu trắng tinh khôi của MATIC, sinh viên được tìm hiểu thông tin về những điểm du lịch nổi bật của Malaysia, chiêm ngưỡng những điệu múa văn hoá đặc trưng của các dân tộc tại Malaysia (gồm người Malaysia, người Hoa, người Ấn, và các dân tộc thiểu số khác) cũng như được giảng giải thêm về những nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc Malaysia ở các ngày lễ lớn, các ngày lễ mừng mùa vụ thành công, ngày lễ đón chào chiến thắng, …
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại MATIC
Trang phục và các điệu múa của Malaysia
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE cùng các diễn viên múa tại MATIC
Rời MATIC, sinh viên được tham quan Động Batu (Batu Caves). Đây là một kỳ quan động thiên nhiên được khắc họa bởi tạo hoá và là nơi tôn thờ tôn giáo Hindu. Khi bạn bước vào khu vực Động Batu, bạn sẽ thấy bức tượng Murugan cao nhất thế giới nổi bật trước mắt. Tượng này, được chế tác từ đồng, cao khoảng 42,7 mét và thể hiện vị thần Murugan, vị thần chiến tranh và sự bảo vệ trong tôn giáo Hindu. Điều này tạo nên một cảm giác tôn thờ và kính trọng ngay từ lúc bạn bắt đầu chuyến thám hiểm. Động Batu chứa bên trong nó một hệ thống các hang động đá vô cùng ấn tượng. Để tiếp cận đến các hang, bạn phải vượt qua một bậc thang dài có hơn 270 bậc, với cảnh tượng đẹp và cuốn hút suốt quãng đường. Các hang động này chứa trong mình những ngôi đền và nguyên thủy tượng thần Hindu, tạo nên không gian tôn thờ và linh thiêng.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại Batu Caves
Không những vậy, sinh viên còn được trải nghiệm ẩm thực tại Chợ đêm Connaught (Connaught Night Market). Đây là một trong những chợ đêm lớn và nổi tiếng nhất ở Malaysia, độ dài lên đến 2km. Mỗi buổi tối, con đường Cheras Connaught biến thành một khu chợ độc đáo với hàng loạt gian hàng và quầy hàng cung cấp mọi thứ từ thực phẩm đường phố ngon lành đến hàng thời trang, trang sức, đồ gia dụng và nhiều món đồ khác. Chợ đêm Connaught không chỉ là nơi để mua sắm và thưởng thức ẩm thực, mà còn là một phần của văn hóa đời sống địa phương. Thực khách sẽ cảm nhận được sự sôi động, hào hứng và năng động của cuộc sống đêm tại Kuala Lumpur.
Hình ảnh đường phố và món ăn tại Connaught Night Market
Cuối cùng, sinh viên còn có cơ hội tham quan trực tiếp tại nhà máy Royal Selangor. Được thành lập vào năm 1885 tại Kuala Lumpur, Royal Selangor đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới, chuyên sản xuất và thiết kế các sản phẩm bằng thiếc, đồng và bạc. Khi bước vào nhà máy Royal Selangor, sinh viên được dẫn dắt vào một cuộc hành trình xuyên qua lịch sử và quá trình sản xuất của các sản phẩm thủ công. Hướng dẫn viên tận tâm sẽ chia sẻ với sinh viên về quá trình chế tác và công nghệ độc đáo mà Royal Selangor đã sử dụng trong suốt hơn một thế kỷ. Đồng thời, sinh viên cũng được tận mắt chứng kiến quy trình chế tạo thủ công các sản phẩm hiện có tại Royal Selangor như các vật dụng từ thiết, khắc gỗ, và tranh vẽ.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại Royal Selangor
Khép lại hành trình 7 ngày tại Malaysia, chương trình trao đổi ngắn hạn kết hợp với đồng tổ chức Hội thảo quốc tế tại Malaysia đã là một hành trình đáng nhớ đối với cả CSE và sinh viên. Sinh viên không chỉ được học hỏi kiến thức và kỹ năng mới, mà còn trải nghiệm sự phong phú và đa dạng của cuộc sống và văn hóa ở một quốc gia khác. Tin rằng cơ hội này và những gì sinh viên học được sẽ đóng góp tích cực cho tương lai của mỗi thành viên trong đoàn.
Hình ảnh sinh viên Trường Kinh tế CSE tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/8/2023
HỌC TẬP VÀ TRẢI NGHIỆM HỌC KỲ HÈ NĂM HỌC 2022-2023 CỦA SINH VIÊN
QUẢN TRỊ DỊCH VỤ DU LỊCH VÀ LỮ HÀNH TRƯỜNG KINH TẾ CSE
Thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được tham gia học kỳ thực tập hè nhằm giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học một cách toàn diện để giải quyết các vấn đề, các tình huống thực tế tại doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ du lịch. Dựa trên cơ sở đó, Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã triển khai đa dạng các nội dung học tập và trải nghiệm cho sinh viên trong lĩnh vực lưu trú, nhà hàng, và lữ hành.
Sinh viên được thực tập 14 ngày tại các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao như khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ, Ninh Kiều 2, TTC hotel Cần Thơ, Kim Thơ, Anh Đào Mekong 2; và các khu nghỉ dưỡng theo phong cách miệt vườn sông nước Miền Tây như Làng Du lịch Mỹ Khánh, khu nghỉ dưỡng Cồn Khương và Mekong Silt Ecolodge. Trong suốt đợt thực tập này, sinh viên được trải nghiệm các vị trí công việc khác nhau theo sắp xếp của đơn vị thực tập từ bộ phận lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, và đa dạng các dịch vụ bổ sung.
Sinh viên ngày trình diện tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng
Sinh viên được sinh hoạt, tập huấn trước khi nhận việc
Sinh viên trải nghiệm nhiều vị trí công việc trong lĩnh vực lưu trú
Ngoài ra, sinh viên tham gia chuyến đi thực tế học tập mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú kết hợp dịch vụ ẩm thực, đa dạng vui chơi giải trí tại Cần Thơ Eco Resort, Lúa Nếp Resort & Restaurant, và xu hướng kinh doanh bền vững.
Sinh viên và các hoạt động hội nhóm trong chuyến đi thực tế
Bên cạnh đó, sinh viên được viếng thăm Đền thờ các Vua Hùng, tìm hiểu kiến trúc độc đáo từ đặc trưng văn hóa thời kỳ Vua Hùng, và cùng nhau tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Sinh viên tại Đền thờ các Vua Hùng
Đặc biệt, sinh viên được chia theo nhóm, thực hiện phân tích nhu cầu của khách du lịch, khảo sát các điểm tham quan và dịch vụ du lịch khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, nhóm sinh viên hình thành ý tưởng và xây dựng chương trình du lịch 1 ngày tại các điểm đến đã chọn khảo sát. Song song đó, nhóm sinh viên cũng được yêu cầu thiết kế brochure, flyer, và chuẩn bị các vật dụng hỗ trợ để trưng bày “gian hàng” tại chương trình giới thiệu và “chào bán” chương trình du lịch của nhóm như một “hội chợ du lịch” thu nhỏ. Các chương trình du lịch sẽ được đánh giá và bình chọn của toàn thể sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, giảng viên và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm ngành dịch vụ lữ hành.
Các nhóm sinh viên giới thiệu về chương trình du lịch và hỏi đáp nhanh cùng các chuyên gia ngành dịch vụ lữ hành
Sinh viên, giảng viên và các chuyên gia tại “hội chợ du lịch” thu nhỏ
CHƯƠNG TRÌNH TRAO ĐỔI SINH VIÊN NGẮN HẠN
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC AIRLANGGA, INDONESIA
21/05/2023-27/05/2023
Công tác trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài cho sinh viên là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng và hứa hẹn của Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ. Đây là một bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng tầm nhìn và mang lại cơ hội phát triển toàn diện cho sinh viên. Chính vì lẽ đó Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức chương trình trao đổi học tập ngắn hạn tại Trường Đại học Airlangga, Indonesia trong vòng một tuần (21/05/2023-27/05/2023). Trong chuyến trao đổi lần này, đội ngũ giảng viên dẫn đoàn là Thầy Võ Văn Dứt - Trưởng Khoa Kinh doanh quốc tế, Cô Trần Việt Thanh Trúc - Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng và Cô Nguyễn Thị Thúy Ngân - Giảng viên Khoa Kinh tế học cùng với 19 sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau thỏa điều kiện tuyển chọn về học lực và tiếng Anh.
Chuyến trao đổi là cơ hội để sinh viên trải nghiệm và tích lũy những kiến thức trong môi trường học tập quốc tế. Đồng thời, chương trình trao đổi còn đóng góp tích cực vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, Việt Nam và Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Airlangga, Indonesia.
Hình ảnh các sinh viên Indonesia chào đón Đoàn Việt Nam tại sân bay
Giao lưu học thuật đóng vai trò quan trọng trong chương trình trao đổi ngắn hạn tại Trường Airlangga. Sinh viên được tham dự các buổi học với nhiều chủ đề khác nhau như thử thách và cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Indonesia, sự phát triển của Châu Á và tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia châu Phi và châu Á, … đồng thời tham gia thảo luận tại Trường thuộc Top 5 tại Indonesia. Điều này không chỉ mở ra một thế giới mới về kiến thức mà còn mang đến cơ hội để sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp quốc tế, thuyết trình bằng tiếng Anh, làm việc trong đội nhóm đa quốc gia, và thích ứng với các môi trường học thuật đa dạng. Khi được làm việc trong đội nhóm đa văn hóa, sinh viên sẽ học cách đồng hành, chia sẻ ý kiến và tôn trọng đa dạng quan điểm.
Hình ảnh về buổi giao lưu học thuật cùng Giáo sư Jean Claude Maswana đến từ Nhật Bản
Hình ảnh các sinh viên được học về những cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp
Hình ảnh buổi thảo luận về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)
Bên cạnh hình thức học tập trên giảng đường, sinh viên được trải nghiệm hoạt động mua bán tại làng bánh Kampung Kue và tham quan Rohani - một doanh nghiệp gia đình đã khởi nghiệp thành công tại Malang, Indonesia. Tại đây, sinh viên Việt Nam và Indonesia đã được nghe chủ sở hữu doanh nghiệp Rohani chia sẻ về những khó khăn khi khởi nghiệp và kinh nghiệm cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Hơn thế nữa, sinh viên còn được trực tiếp xem quá trình làm Tempe Chips, tự đóng gói sản phẩm và mang về làm quà.
Hình ảnh các sinh viên cùng chụp ảnh với người dân bản địa tại làng bánh Kampung Kue
Hình ảnh Thầy Cô và các sinh viên tại doanh nghiệp Rohani
Hình ảnh giảng viên và sinh viên trải nghiệm làm Tempe Chips
Ngoài việc trao đổi học thuật, đoàn Trường Kinh tế đã có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hoá Indonesia thông qua hai hoạt động chính là học múa Saman và vẽ Batik. Saman là điệu múa truyền thống của người dân nơi đây, yêu cầu sự chăm chỉ luyện tập, khả năng ghi nhớ tuyệt đối kết hợp cùng bàn tay mềm mại uyển chuyển để có thể tạo nên một bài múa hoàn hảo. Buổi học diễn ra chưa đầy 3 tiếng nhưng nhờ sự nỗ lực học hỏi mà tất cả các sinh viên đều có thể múa được những động tác cơ bản, qua đó phát huy được tối đa tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Đoàn Trường Đại học Cần Thơ đã đến tham quan Jokotole Collection Batik Tulis Madura - một cơ sở sản xuất vải Batik. Bên cạnh việc tham quan và mua sắm thì đoàn còn được trải nghiệm thực hành vẽ Batik lên vải. Quá trình để tạo nên một bức tranh phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, yêu cầu sự khéo léo, tập trung, vì chỉ lơ là đôi chút thì các nghệ nhân sẽ rất dễ bị bỏng cũng như làm hư toàn bộ bức tranh. Thông qua hoạt động vẽ Batik, các sinh viên của Đoàn Trường Kinh tế đã biết thêm quá trình tạo hoa văn thủ công lên vải và quy trình nhuộm vải để cho ra sản phẩm tốt nhất.
Hình ảnh các sinh viên đang tập các động tác cơ bản của điệu múa Saman
Hình ảnh các sinh viên được trải nghiệm vẽ Batik
Vào ngày thứ 5 trong chuyến đi 6 ngày tại Indonesia, đoàn Trường Kinh tế và Trường Đại học Airlangga đã có chuyến tham quan tại một công viên giải trí Selecta ở Batu. Đây là một trong 7 công viên hoa lớn nhất tại Indonesia và nằm trên độ cao 1.100 mét so với mực nước biển, bầu không khí ở đây rất trong lành và mát mẻ. Tại đây, các sinh viên Việt Nam và Indonesia đã có cơ hội gắn kết, trò chuyện và vui chơi cùng nhau thông qua những trò chơi thú vị như Flying Fox, Đạp xe trên không và Tàu lượn siêu tốc.
Hình ảnh các sinh viên tại công viên giải trí Selecta
Ngày bế mạc được bắt đầu bằng sự giao lưu văn nghệ của sinh viên hai trường. Sinh viên Trường Đại học Airlangga mở đầu với điệu múa truyền thống Saman - một phần của nền văn hóa độc đáo của người Indonesia, và sinh viên Trường Kinh tế biểu diễn bài hát “Việt Nam ơi” đầy tự hào.
Hình ảnh các sinh viên Indonesia và sinh viên Việt Nam biểu diễn văn nghệ
Dưới sự chứng kiến của giảng viên và sinh viên Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Airlangga, buổi ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận (MoA) đã diễn ra nhằm mục đích thắt chặt mối liên kết giữa hai trường. Việc mở rộng hợp tác này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của cả hai trường trong tương lai.
Hình ảnh Đại diện của hai Trường ký kết
Khép lại hành trình 6 ngày của sinh viên hai trường là hoạt động chia sẻ cảm nghĩ, những cái ôm ấm áp cùng dòng nước mắt lưu luyến. Mặc dù thời gian cùng nhau học tập, trao đổi văn hóa không quá dài, nhưng sinh viên cả hai trường đã có những kỷ niệm đáng nhớ và để lại nhiều hồi ức đẹp. “Hành trình kết thúc nhưng những kiến thức, kinh nghiệm và tình bạn sẽ mãi bền chặt” là lời hứa hẹn của sinh viên Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Airlangga.
Hình ảnh khép lại của chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn tại Trường Đại học Airlangga, Indonesia (21/05/2023-27/05/2023)
SINH VIÊN KHOA KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, TRƯỜNG KINH TẾ CSE THAM GIA
HỌC PHẦN KIẾN TẬP HỌC KỲ 2, NĂM HỌC 2022–2023
Vừa qua, sinh viên Khoa Kinh tế nông nghiệp (Trường Kinh tế CSE) đã tham gia học phần Kiến tập ngành tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Lâm Đồng.
Học phần Kiến tập nhằm mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp có cơ hội học tập và trải nghiệm các mô hình sản xuất, cơ sở kinh doanh nông nghiệp, tạo cơ hội gắn kết lý thuyết với thực tiễn, mở rộng hiểu biết về kiến thức thực tế, học hỏi kinh nghiệm và các kỹ năng sống. Khoa Kinh tế nông nghiệp (Trường Kinh tế CSE) đã triển khai môn học Kiến tập vào học kỳ 2, năm học 2022 – 2023 cho sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp.
Chuyến khởi hành thứ nhứt diễn ra ngày 6 tháng 5 năm 2023 đưa 44 sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp di chuyển về tỉnh Kiên Giang bắt đầu ngày kiến tập.
Tham gia dẫn đoàn là Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng Khoa Kinh tế nông nghiệp và các thầy cô của Khoa. Đón tiếp đoàn có Ông Lê Quốc Việt, Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) và một số cán bộ địa phương tại huyện Châu Thành.
Đầu tiên, đoàn ghé tham quan mô hình sinh thái ba tầng khóm cau dừa tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và nhà máy chế biến sản phẩm từ khóm. Đây là mô hình kinh tế ba tầng sinh thái gồm ba cây trồng là dừa, cau, khóm (dứa) được đánh giá là độc đáo, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích. Mô hình này đem lại thu nhập cao hơn hẳn so với những vùng trồng lúa vì nhờ trồng xen canh nên người dân không phải chịu cảnh thua lỗ khi giá xuống thấp, vì mất loại này còn có loại khác bù lại.
Đoàn kiến tập chụp hình với Ông Lê Quốc Việt, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang)
Sau đó, đoàn di chuyển đến tham quan hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay về quy mô, khẩu độ thông nước, có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn, nước ngọt, và nước lợ tạo điều kiện sản xuất cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau. Công trình thường được báo chí Việt Nam gọi tên là "siêu cống" và do người Việt Nam thiết kế, thi công, và quản lý.
Sinh viên đoàn kiến tập chăm chú lắng nghe cán bộ địa phương trình bày về quy mô và công năng của hệ thống thủy lợi
Cống Cái Lớn, Kiên Giang
Cùng ngày, đoàn đã di chuyển đến Cảng Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Cảng hiện đã được quy hoạch với quy mô lớn hơn, là cảng cá có diện tích khoảng 30,69 ha, dự kiến mỗi ngày đón khoảng 500 chiếc/2.000CV, sản lượng thủy hải sản qua cảng khoảng 250.000 tấn/năm.
Đoàn kiến tập chụp ảnh lưu niệm tại cảng cá
Sau đó, đoàn di chuyển đến Trang trại Lúa mùa Tư Việt tại thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây có trưng bày sản phẩm gạo lúa mùa thơm ngon, và lưu giữ nhiều nông cụ đậm nét nông dân Nam Bộ xưa. Điểm ấn tượng nhất là khoảng đất sau hè với những ô vuông gieo cấy đủ loại giống lúa mùa – có giống lúa mới trổ bông, có giống lúa trổ chín vàng rực, đây được xem là mô hình nông nghiệp độc đáo tại tỉnh Kiên Giang với khoảng 40 giống lúa mùa được lưu trữ.
Sinh viên đoàn kiến tập chăm chú lắng nghe chia sẻ về mô hình tại trang trại lúa mùa Tư Việt
Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng khoa Kinh tế nông nghiệp trao quà lưu niệm cho Ông Lê Quốc Việt tại trang trại
--------------------------------------------
Cũng trong học kỳ 2 năm học 2022–2023, từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2023, 31 sinh viên Nhóm 2 Khoa Kinh tế nông nghiệp Trường Kinh tế CSE đã thực hiện học phần kiến tập tại tỉnh Lâm Đồng. Tham gia dẫn đoàn gồm có Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng Khoa và các Thầy Cô Khoa Kinh tế nông nghiệp. Đón tiếp và hướng dẫn đoàn có Ts. Nguyễn Thị Tươi – Giảng viên đại học Đà Lạt và hai cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng.
Ngày đầu tiên, đoàn xuất phát đi tham quan Công ty trà Long Đỉnh. Tại đây đoàn đã được giới thiệu về lịch sử về trà, quy trình kỹ thuật canh tác và chăm sóc theo hướng hữu cơ, quy trình chế biến và thưởng thức trà.
Đoàn kiến tập check-in tại Công ty trà Long Đỉnh và bắt đầu tham quan mô hình canh tác, chăm sóc và chế biến trà
Tiếp sau đó, đoàn đã tham quan Demo Farm của Công ty Langbiang Farm và nghe giới thiệu về sự hình thành phát triển, chiến lược kinh doanh, xuất khẩu rau hoa của công ty, tham quan, check-in mô hình thủy canh dâu tây, phúc bồn tử, cà chua bi, và bí khổng lồ.
Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH LangBiang Farm giới thiệu về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại Công ty
Đoàn kiến tập tham quan mô hình thủy canh tại Công ty Langbiang Farm
Thú vị hơn cả, đoàn đã có cơ hội tham quan Trường Đại học Đà Lạt với các phòng thí nghiệm nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, phòng trưng bày côn trùng sưu tập các loại bướm, và các mô hình sản xuất nhà kính nhà lưới tại đây.
Đoàn tham quan và nghe giới thiệu tại phòng sưu tập côn trùng tại Trường Đại học Đà Lạt
Đoàn kiến tập chụp hình tập thể tại Trường Đại học Đà Lạt
Ngày kế tiếp, Đoàn đã được cán bộ phòng Nông nghiệp hướng dẫn tham quan mô hình trồng hoa của nông hộ tại Làng hoa Vạn Thành. Làng hoa này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng chọn hỗ trợ phát triển theo mô hình chuỗi liên kết đến năm 2020 và đã triển khai kế hoạch sản xuất đa dạng các loại hoa gắn với thị trường tiêu thụ.
Đoàn kiến tập tham quan và chụp hình tại một nhà lưới thuộc HTX Vạn Thành
Chiều cùng ngày, đoàn đã xuất phát đi qua Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, nghe báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn về tình hình phát triển Kinh tế trang trại, kinh tế HTX và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Với những kinh nghiệm thực tế quản lý tại địa phương, cán bộ Sở đã chia sẻ nhiều bài học sâu sắc về các chương trình phát triển nông nghiệp tại địa phương nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Đây là những bài học thực tiễn quý báu nhằm gắn kết kiến thức lý thuyết và thực tiễn cho sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp.
Đoàn kiến tập lắng nghe cán bộ Sở Nông nghiệp trình bày về tình hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế HTX và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng
Pgs. Ts. Phạm Lê Thông trao quà lưu niệm cho cán bộ Sở Nông nghiệp tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng
Cuối cùng, đoàn đã tham quan và học tập kinh nghiệm tại Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt, đây là HTX đã có bước đi đột phá về liên kết sản xuất các loại rau VietGAP Đà Lạt với quy trình khép kín đầu vào – đầu ra. Hiện Hợp tác xã liên kết với hơn 121 thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất. Sản phẩm hiện nay của Hợp tác xã hiện được cung ứng cho 200 cửa hàng liên kết sản xuất, phân phối độc quyền thương hiệu rau củ quả Đà Lạt và đặc sản các vùng miền trên 35 tỉnh thành.
Đoàn kiến tập lắng nghe cán bộ Sở Nông nghiệp và HTX SunFood giới thiệu mô hình rau thủy canh
Đoàn kiến tập chụp hình lưu niệm với Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sunfood Đà Lạt
Thông qua 2 đợt kiến tập lần này, sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp đã được quan sát hoạt động của các công ty, doanh nghiệp, trang trại, các mô hình sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm quản lý của cán bộ địa phương. Sinh viên đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc đổi mới, kiến tạo trong các mô hình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp ở các địa phương. Từ đó, sinh viên với vai trò là người học nắm vững hơn các kiến thức, hiểu rõ hơn và biết cách áp dụng kiến thức đó trong thực tiễn, mở ra cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân hơn trong tương lai.