CHƯƠNG TRÌNH TRAO ĐỔI SINH VIÊN NGẮN HẠN
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC AIRLANGGA, INDONESIA
19/09/2022 – 23/09/2022
**********
Vừa qua, Khoa Kinh tế (KT) Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức chuyến đi trao đổi ngắn hạn tại đại học Airlangga, Indonesia trong vòng một tuần (19/09/2022 – 23/09/2022). Chuyến đi không chỉ giúp các em sinh viên trang bị tốt kiến thức thực tế mà còn giao lưu học hỏi ở môi trường văn hóa quốc tế. Hơn nữa, chương trình trao đổi cò giúp gắn kết tình hữu nghị và hợp tác giữa Khoa Kinh tế, Đại học cần Thơ và Khoa Kinh tế, Trường đại học Airlangga, Indonesia. Chuyến đi tuy không dài nhưng đã lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp cho Đoàn.
Sinh viên trường Airlangga chào đón Đoàn SV Khoa kinh tế, Đại học Cần Thơ tại sân bay quốc tế Juanda vào tối 18/9/2022.
Đại học Airlangga là một trường công lập đa ngành với lịch sử thành lập lâu đời ở Surabaya, Indonesia. Trường Đại học Airlangga bao gồm 4 khu với 16 khoa (bao gồm sau đại học) và 132 chương trình đào tạo. Liên tục được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng các trường đại học lớn trên thế giới (#369 theo world QS ranking và #110 theo QS Asia), Universitas Airlangga từ lâu đã được coi là một trong những trường đại học "Big 5" ở Indonesia.
Tham gia chương trình trao đổi lần này có 20 sinh viên Kinh tế có thành tích học tập từ giỏi trở lên đến từ các chuyên ngành khác nhau. Về phía giảng viên dẫn đoàn có Thầy Phan Anh Tú – Phó trưởng Khoa Kinh tế và Cô Nguyễn Thị Thúy Ngân – giảng viên Bộ môn Kinh tế, khoa Kinh tế. Nhân cơ hội này, thay mặt Khoa, Thầy Tú đã có buổi thảo luận và trao đổi với đại diện lãnh đạo Khoa kinh tế, trường Airlangga và giảng viên của Khoa này về kế hoạch hướng đến mở rộng ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên trong tương lai.
Đoàn Đại học Cần Thơ ngày đầu tiên ở trường Airlangga
Ảnh lưu niệm giữa hai trường
Chương trình trao đổi giữa Khoa Kinh tế, trường đại học Airlangga và Khoa kinh tế, Đại học Cần Thơ giúp các em sinh viên từ hai trường có cơ hội học tập không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn giao lưu và học hỏi về nền văn hóa giữa hai quốc gia. Sinh viên Khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ còn được sắp xếp học tập và sinh hoạt gần gũi với các bạn sinh viên của trường bạn. Về phần nội dung của chương trình trao đổi ngắn hạn, sinh viên được học về văn hóa và kinh tế của hai quốc gia, việc ứng dụng công nghệ và bài học về tinh thần doanh nhân của người Indonesia. Ngoài ra, các buổi thảo luận tự do nhằm giới thiệu và chia sẽ thông tin về các tổ chức, hiệp hội của sinh viên từ hai trường giúp các em rèn giũa kỹ năng trình bày và tiếng Anh từ môi trường học tập quốc tế. Nhân dịp này, các em sinh viên đã thể hiện tốt tác phong tự tin khi đặt câu hỏi với báo cáo viên và thể hiện rõ ý thức tổ chức kỷ luật tốt khi tham gia đoàn.
Sinh viên giữa hai Khoa chia sẻ về các hoạt động của hội sinh viên
Chụp hình lưu niệm sau các giờ học
Bên cạnh những kiến thức được học tập tại giảng đường, đoàn Cần Thơ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như học điệu múa truyền thống của người Indonesia “Saman”, đi thăm làng nghề làm vải Batik – nét văn hóa của người Indonesia và tham quan một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại địa phương.
Các em sinh viên học điệu múa truyền thống của Indonesia “Saman”
Sinh viên đi thăm làng nghề thủ công và trãi nghiệm vẽ áo vải Batik
Sinh viên thăm doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Surabaya, Indonesia
Sinh viên lần đầu trải nghiệm ăn cơm bằng tay phải
Sinh viên viếng thăm phòng trưng bày nghệ sĩ hài và ngắm nhìn thành phố trên sông
Mặc dù lịch trình khá kín trong một tuần, đoàn được tạo cơ hội viếng thăm núi lửa Bromo vào ngày cuối của hành trình trước khi về lại Việt Nam – một trong những điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở East Java. Để bắt trọn được khoảnh khắc mặt trời mọc, đoàn khởi hành từ 10 giờ đêm và ngủ trên xe trong hành trình đi đến Bromo. Thời tiết giá lạnh dưới 10 độ C ở Bromo nhưng không làm nguội đi sự nhiệt huyết của tất cả thành viên trong đoàn.
Ảnh lưu niệm tại núi lửa Bromo
Một tuần tất bật cùng nhau ăn uống, cùng nhau học tập và cùng nhau trò chuyện giữa sinh viên trường Airlangga và Cần Thơ đã đễ lại cảm xúc khác nhau trong hành trình sinh viên của các em. Chương trình trao đổi ngắn hạn đã thành công tốt đẹp. Tuy rằng chuyến trao đổi chỉ vỏn vẹn một tuần nhưng đủ để các bạn sinh viên lưu luyến và cảm nhận hết được sự hiếu khách mà đối tác dành cho.
Các bạn trường Airlangga tiễn đoàn SV Khoa kinh tế, Đại học Cần Thơ tại sân bay và chụp hình lưu niệm
- Bài viết cảm nghĩ của sinh viên Nguyễn Hoàng Minh Châu chuyên ngành Kinh doanh quốc tế khóa 45 về chuyến đi giao lưu ngắn hạn...
- Bài viết cảm nghĩ của sinh viên Trịnh Hoàng Nam chuyên ngành Kinh doanh quốc tế Chất lượng cao khóa 45 về chuyến đi giao lưu ngắn hạn...
- Bài viết cảm nghĩ của sinh viên Nguyễn Trần Trúc Quỳnh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế Chất lượng cao khóa 47 về chuyến đi giao lưu ngắn hạn...
HỌC TẬP VÀ TRẢI NGHIỆM HỌC KỲ THỰC TẬP HÈ NĂM HỌC 2021-2022
CỦA SINH VIÊN QTDV DU LỊCH VÀ LỮ HÀNH
KHOA KINH TẾ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
Thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được tham gia học kỳ thực tập hè nhằm giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học một cách toàn diện để giải quyết các vấn đề, các tình huống thực tế tại doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ du lịch. Dựa trên cơ sở đó, Bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã triển khai đa dạng các nội dung học tập và trải nghiệm cho sinh viên trong lĩnh vực lưu trú, nhà hàng và lữ hành.
Sinh viên được thực tập 14 ngày tại các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao như khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ, Ninh Kiều 2, Ninh Kiều Riverside, TTC Hotel Cần Thơ, Kim Thơ, Anh Đào Mekong 2, Iris Cần Thơ, West Cần Thơ, Vạn Phát Riverside, Nesta; và các khu nghỉ dưỡng theo phong cách miệt vườn sông nước Miền Tây như Làng Du lịch Mỹ Khánh, khu nghỉ dưỡng Hieu’s Cottage và Mekong Silt Ecolodge. Trong suốt đợt thực tập này, sinh viên được trải nghiệm các vị trí công việc khác nhau theo sắp xếp của đơn vị thực tập từ bộ phận lễ tân, buồng phòng, nhà hàng và đa dạng các dịch vụ bổ sung của các cơ sở kinh doanh lưu trú.
Sinh viên ngày trình diện tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng
Sinh viên được sinh hoạt, tập huấn trước khi nhận việc
Sinh viên trải nghiệm nhiều vị trí công việc trong lĩnh vực lưu trú
Chuyến tham quan Resort Sang Như Ngọc với loại hình lưu trú nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh tại tỉnh An Giang. Sinh viên được giới thiệu về dịch vụ lưu trú và các dịch vụ bổ sung của resort.
Học tập mô hình du lịch sinh thái của Rừng Tràm Trà Sư: sinh viên được tham quan môi trường thiên nhiên hoang sơ tại Rừng Tràm và học tập xu hướng phát triển du lịch kết hợp bảo tồn hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động, thực vật.
Sinh viên tại Rừng tràm Trà Sư
Tham quan Vườn nho Ô Thum tại Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với quy mô đầu tư ban đầu 20 công đất, đang được trồng thử nghiệm đa dạng các giống nho trong và ngoài nước. Nhà vườn đã có ít thành quả trong năm đầu tiên từ cây nho và đang thu hút du khách tham quan nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp tại vườn nho chỉ mới đạt bước đầu trong tiến trình phát triển nên cần bổ sung thêm những giá trị trải nghiệm cho khách tham quan, xây dựng nét đặc trưng của vùng đất Bảy Núi.
Sinh viên tại vườn nho Ô Thum
Đặc biệt, sinh viên được chia theo nhóm, thực hiện phân tích nhu cầu của khách du lịch, khảo sát các điểm tham quan và dịch vụ du lịch khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, nhóm sinh viên hình thành ý tưởng và xây dựng chương trình du lịch 1 ngày tại các điểm đến đã chọn khảo sát. Song song đó, nhóm sinh viên cũng được yêu cầu thiết kế brochure, flyer và chuẩn bị các vật dụng hỗ trợ để trưng bày “gian hàng” tại chương trình giới thiệu và “chào bán” chương trình du lịch của nhóm như một “hội chợ du lịch” thu nhỏ. Các chương trình du lịch sẽ được đánh giá và bình chọn của toàn thể sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, giảng viên và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Các nhóm sinh viên giới thiệu về chương trình du lịch và hỏi đáp nhanh cùng các chuyên gia ngành dịch vụ lữ hành
Hoạt động giới thiệu và “chào bán” giữa các sinh viên
Các chuyên gia chia sẻ với sinh viên
Trưởng Bộ môn QTDVDL&LH cám ơn các chuyên gia & trao thưởng cho sinh viên
Toàn cảnh sinh viên ngành QTDVDL&LH tại “hội chợ du lịch” thu nhỏ
HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
SINH VIÊN CHẤT LƯỢNG CAO NĂM 2021
Ngày 29/4/2022, Hội nghị tổng kết nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên chất lượng cao năm 2021 tại Khoa Kinh tế đã tổ chức thành công. Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các phòng ban, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn kinh tế, các đơn vị có đào tạo Chương trình chất lượng cao như Khoa ngoại ngữ, Khoa Công nghệ, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Khoa Kinh tế, Bộ môn Kinh doanh quốc tế, cùng các giảng viên của Khoa và các sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế - chất lượng cao khóa 43, 44 và 45.
Hoạt động NCKH của sinh viên chất lượng cao ngành Kinh doanh quốc tế được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2020. Sau hơn hai năm thực hiện, Hội nghị tổng kết đã đúc kết những mặt đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục cho hoạt động NCKH trong thời gian tới. Hôi nghị tạo điều kiện để sinh viên đã từng thực hiện NCKH trao đổi các thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, các kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe về mặt học thuật của một đề tài NCKH. Hội nghị cũng ghi nhận các ý kiến thảo luận và đề xuất của giảng viên và sinh viên để hoạt động NCKH ngày càng tốt hơn cả về chất lượng và số lượng.
Khai mạc hội nghị, đại diện Ban lãnh đạo Khoa Kinh tế, PGS.TS Phan Anh Tú – Phó trưởng Khoa Kinh tế đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa cũng như lợi ích của việc thực hiện NCKH đối với sinh viên Khoa Kinh tế nói chung và ngành Kinh doanh quốc tế Chất lượng cao nói riêng. Tiếp theo, PGS.TS Võ Văn Dứt - Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế đã có phần trình bày Báo cáo tổng kết về công tác nghiên cứu Khoa học của sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế Chất lượng cao năm 2021.
Ở nội dung báo cáo tham luận, sinh viên Mã Ngọc Như – K44 và sinh viên Trần Tường Như – K43 đại diện chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn bổ ích khi thực hiện NCKH đến Hội nghị cùng các bạn sinh viên đang và sắp làm NCKH. Cuối cùng, Ban tổ chức Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận và đóng góp có giá trị đến từ Quý Thầy Cô tham gia.
Nhìn chung, thông qua Hội nghị, nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết để hoạt động NCKH của sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế chất lượng cao nói riêng và công tác tổ chức hoạt động NCKH của Khoa nói chung được hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Một số hình ảnh từ hội nghị.
PGS.TS. Trương Đông Lộc (Phó trưởng Khoa) phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS. Phan Anh Tu (Phó trưởng Khoa) phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS Võ Văn Dứt - Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế báo cáo tổng kết NCKH 2021
Cô Trần Thị Kim Chi (Phòng Tài chính) chia sẻ về thủ tục thanh quyết toán
PGS.TS. Đoàn Văn Hồng Thiện (Khoa Công nghệ) chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu khoa học
PGS.TS. Lê Long Hậu phát biểu và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học
Khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
KIẾN TẬP CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
KHOA KINH TẾ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ HỌC KỲ HÈ NĂM HỌC 2021 – 2022
Ngày 31/05/2022, Bộ môn Kinh tế nông nghiệp đã tổ chức đợt kiến tập học kỳ hè năm học 2021-2022 cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mục tiêu của đợt kiến tập nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu và thực tiễn để sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp có thể thực hiện các nghiên cứu trong kinh tế và kinh tế nông nghiệp, và giúp người học biết cách tổ chức sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tiếp cận thực tiễn để giúp người học tìm hiểu các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương, các khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của nông hộ và doanh nghiệp trong thực tế.
Tham dự đợt kiến tập hè lần này có 140 sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp. Về phía Bộ môn Kinh tế nông nghiệp có Pgs. Ts. Phạm Lê Thông - Trưởng bộ môn và các Thầy Cô thuộc Khoa Kinh tế dẫn đoàn. Về phía chính quyền địa phương, đợt kiến tập hân hạnh được sự tham gia và hướng dẫn của Ông Cao Quang Liêm – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, Ông Nguyễn Văn Văn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, đại diện lãnh đạo các Phòng Giáo dục, Phòng Nội vụ, và lãnh đạo UBND Xã Ô Lâm và Lê Trì thuộc huyện Tri Tôn.
Quang cảnh buổi Hội thảo tổng quan chính sách kinh tế nông nghiệp tại UBND Huyện Tri Tôn
Các đại biểu tham dự buổi Hội thảo kiến tập tại UBND Huyện Tri Tôn
Tại buổi Hội thảo kiến tập ở Hội trường UBND huyện Tri Tôn, đoàn kiến tập vinh dự được Ông Cao Quang Liêm nhiệt liệt chào mừng và giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của huyện Tri Tôn qua các thời kỳ, tình hình hiện tại, và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Ông Cao Quang Liêm – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện Ủy, Chủ tịch UBND Huyện Tri Tôn phát biểu tại Hội thảo
Trong nội dung tiếp theo tại buổi Hội thảo kiến tập, ông Nguyễn Văn Văn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện – đã trình bày chi tiết về tình hình sản xuất, tiêu thụ và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp và các chính sách có liên quan trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và tiến hành giải đáp các câu hỏi có liên quan đến lĩnh vực kinh tế nông nghiệp cho các bạn sinh viên tham dự kiến tập.
Ông Nguyễn Văn Văn – Trưởng phòng Nông nghiệp Huyện thảo luận về tình hình kinh tế nông nghiệp tại địa phương
Nhân dịp này, Pgs. Ts. Phạm Lê Thông – Trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho đoàn được tham quan kiến tập tại địa phương. Pgs. Thông nhấn mạnh đây cũng là cơ hội giúp các em sinh viên tìm kiếm, phân tích các thông tin trong lĩnh vực kinh tế và dự báo các vấn đề phát sinh trong thực tiễn kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Pgs. Ts. Phạm Lê Thông vinh dự nhận quà lưu niệm từ Ông Cao Quang Liêm – Bí thư huyện Ủy
Đại diện chính quyền địa phương trao biểu trưng của huyện Tri Tôn cho các bạn sinh viên tham dự kiến tập
Nhân dịp này, các bạn sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp đã thể hiện tốt tác phong tự tin khi đặt câu hỏi với báo cáo viên và thể hiện rõ ý thức tổ chức kỷ luật tốt khi tham gia đoàn.
Sinh viên tham dự kiến tập đặt câu hỏi với báo cáo viên
Tiếp theo đó, đoàn kiến tập đã tham quan, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm tại vườn nho Ô Thum. Đây là mô hình kinh tế kết hợp du lịch mới phát triển tại địa phương.
Chuyên viên phòng Nông nghiệp Huyện đang trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên tham quan mô hình vườn nho du lịch
Sinh viên tham quan vườn nho kết hợp du lịch tại địa phương
Cuối cùng, đoàn được tham quan trình diễn phun thuốc của công nghệ máy bay không người lái điều khiển từ xa (Drone). Ưu điểm của công nghệ mới này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp là giúp giảm thiểu hao hụt tổn thất trong quá trình phun xịt, ít phụ thuộc vào thời tiết và tiết kiệm thời gian, từ đó giúp tiết giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Drone được trình diễn bởi XAG Mekong. Đại diện đơn vị sau đó cũng đã trả lời các câu hỏi liên quan nhằm giúp các em sinh tìm hiểu về Drone và thị trường Drone trong tương lai trong lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp.
Đoàn kiến tập xem trình diễn máy bay phun thuốc không người lái
Chuyến đi này cũng là cơ hội giúp các bạn sinh viên chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp phát triển kỹ năng giao tiếp tốt với các bạn học và các đối tượng có liên quan khác. Buổi kiến tập đã thành công tốt đẹp.
Đoàn kiến tập chụp ảnh lưu niệm