HỘI THẢO Ý KIẾN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH,
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ VÀ TIẾN SĨ
NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG THEO THÔNG TƯ 17/2021/TT-BGDĐT
Nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, Khoa Kinh tế, đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về việc điều chỉnh, xây dựng Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng theo định hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng, và Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng. Hội thảo diễn ra vào ngày 06 tháng 01 năm 2022 tại Khoa Kinh tế. Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm các thành viên Tổ điều chỉnh theo Quyết định, đại diện lãnh đạo, quản lý, và bộ phận hỗ trợ giảng dạy từ Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Kinh tế, Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, cùng lãnh đạo của các bộ môn và các giảng viên của Khoa Kinh tế. Đặc biệt, hội thảo chào đón các chuyên gia, nhà quản lý và sử dụng lao động đến từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, các trường đại học, và các anh chị cựu học viên sau đại học cùng tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Bộ môn Tài chính – Ngân hàng được ghi nhận là đơn vị đào tạo đại học có chất lượng và là nơi đào tạo lực lượng lao động có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho thị trường lao động, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trong nhiều năm qua. Các ý kiến trao đổi của các đại biểu tập trung làm rõ mục tiêu đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng trong chương trình đào tạo. Đồng thời, nhiều ý kiến nhấn mạnh mức độ liên thông kiến thức bậc cao học với bậc tiến sĩ trong chương trình đào tạo.
Kết quả thảo luận của Hội thảo đã làm rõ mục tiêu của chương trình đào tạo Thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên môn có hệ thống và kỹ năng phân tích để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong khi đó, mục tiêu của chương trình đào tạo thạc sĩ theo hướng nghiên cứu cần bổ sung kỹ năng nghiên cứu giải quyết vấn đề độc lập trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bên cạnh các kiến thức và kỹ năng của chương trình đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng. Ở bậc tiến sĩ, chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên môn sâu về quản lý hệ thống trong xu thế hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa. Ở chương trình đào tạo tiến sĩ, mục tiêu đào tạo cần hướng đến trang bị kiến thức nâng cao về hệ thống tài chính, các tài sản và dịch vụ tài chính, các nguyên lý định giá tài sản và những công cụ phân tích định tính và định lượng trong hoạch định chiến lược và chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Hội thảo còn là nơi cựu học viên trao đổi và chia sẻ những trải nghiệm của bản thân cũng như khả năng ứng dụng kiến thức được đào tạo vào công việc hiện tại. Đồng thời, những chuyên gia và nhà sử dụng lao động chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự ngành tài chính – ngân hàng, và đề xuất các kỹ năng cần thiết bổ sung vào Chương trình đào tạo.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Tổ xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo tiếp nhận ý kiến và sẽ xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các học phần nhằm đạt được tốt nhất kỳ vọng của các bên liên quan. Đồng thời, Tổ điều chỉnh đã tự đánh giá được những điểm mạnh và điểm hạn chế của chương trình đào tạo hiện hành. Những ý kiến đánh giá của các bên liên quan là cơ sở quan trọng để Bộ môn Tài chính – Ngân hàng thực hiện điều chỉnh và hoàn thiện chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng trong thời gian tới.
Hình 1-2. Quý Thầy Cô đến từ Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, Khoa Kinh tế tại phòng họp Khoa nơi diễn ra Hội thảo trực tuyến
Hình 3. Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của các bên liên quan