HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM NĂM 2023
TẠI TRƯỜNG KINH TẾ CSE, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
Ngày 15 tháng 12 năm 2023, Trường Kinh tế CSE, Trường Đại học Cần Thơ (CTU) phối hợp với Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman (TAR UMT) Malaysia đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: "Tăng trưởng bền vững ở Việt Nam". Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến từ các trường Đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan ban ngành, Ban Giám hiệu, và các phòng ban liên quan trong Trường CTU, đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, và các em sinh viên đến từ Malaysia và Indonesia.
Toàn cảnh Hội thảo tại Trường Kinh tế CSE, Đại học Cần Thơ
Hội thảo đã diễn ra với phiên toàn thể, trong đó có 2 báo cáo chính được trình bày, cụ thể gồm (1) “The firm’s growth option value of R&D investment in unstable periods: the moderating role of organizational forms” do TS. Nguyễn Thị Bảo Châu, Trường Kinh tế, (2) “Exploring the Hidden World of Insect-Based Food Products: The Exciting Journey towards Sustainable Protein Sources for Pet Food” do PGS.TS. Phuah Kit Teng, Đại học TAR UMT trình bày.
Sau phiên chung là 4 phiên hội thảo chuyên đề riêng biệt với các chủ đề về (1) Kinh tế phát triển, (2) Kinh tế nông nghiệp và phát triển, (3) Tài chính, và (4) Quản trị kinh doanh. Trong 4 phiên này có 17 báo cáo được chọn lọc và trình bày. Các nội dung này xoay quanh các vấn đề rất đa dạng về tăng trưởng và phát triển trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nghèo đói, bất bình đẳng, việc làm, thu nhập, tài chính và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, còn có các chủ đề về đầu tư, thương mại và toàn cầu hóa, đổi mới, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cũng như chủ đề về phát triển kinh doanh và bảo hiểm việc làm.
PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Wee Chu Kok, Trưởng khoa - Khoa Kế toán Tài chính và Kinh doanh (FAFB), Đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman (TAR UMT) phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Lê Khương Ninh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE, Trưởng ban tổ chức, phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Lê Khương Ninh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế CSE, thay mặt Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm đến các đại biểu quốc tế
Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn sôi nổi cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghiên cứu sinh, các học viên cao học thảo luận về những thách thức và cơ hội trong bối cảnh bất ổn về kinh tế, cũng như trao đổi và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ngành, địa phương theo hướng bền vững.
Nguyễn Thị Bảo Châu, giảng viên Trường Kinh tế CSE trình bày báo cáo chính về: The firm’s growth option value of R&D investment in unstable periods: the moderating role of organizational forms
Hội thảo đã rút kết kinh nghiệm, bài học của các nước trong việc phát triển kinh tế bền vững thông qua việc phân tích rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng để ổn định kinh tế vi mô căn bản, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, trong các phiên thảo luận, Hội thảo còn tạo nhiều cơ hội để các đại biểu trao đổi về các thành tựu trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu quốc gia về phát triển Kinh tế bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, đây cũng là dịp tạo cơ hội cho sự giao lưu, kết nối trong nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Cần Thơ với các trường Đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
Nhìn chung, Hội thảo đã được các thành viên tham dự đánh giá cao về báo cáo viên, nội dung báo cáo, tài liệu và công tác chuẩn bị hội thảo. Ngoài ra, hội thảo đã thu hút được số lượng lớn nhà khoa học, giảng viên, học viên và nghiên cứu sinh tham dự đầy đủ và sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể, xây dựng được môi trường chia sẻ học thuật với các trường đại học và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Tổng kết hội thảo đã tập hợp được hơn 40 bài viết có chất lượng và sẽ được xuất bản thành kỷ yếu Hội thảo quốc tế.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo